Xuất khẩu sang CHLB Đức: Tìm "cửa" ngách

Đây chính là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực.

Nhiều lợi thế cạnh tranh

Đức là thị trường xuất khẩu chính tại khu vực châu Âu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, quần áo, rau quả, thủy sản, cà phê, đồ gỗ… Dù đa phần những sản phẩm này chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức đang có xu hướng gia tăng, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có được vị thế nhất định tại thị trường này.

Xuất khẩu sang CHLB Đức: Tìm "cửa" ngách
Quần áo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có cơ hội tăng trưởng tốt tại thị trường châu Âu

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức vẫn đạt mức tăng trưởng 10,6%, lên mức kỷ lục 7,3 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, Hiệp định EVFTA đã có những tác động tích cực, giúp hạn chế tác động của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Đức. 5 tháng năm 2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,604 tỷ USD. Trong đó, hàng dệt may đạt 409,394 triệu USD; giày dép các loại đạt 518,671 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 613,453 triệu USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt 1,502 tỷ USD.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức được dự báo tiếp tục tăng trưởng, bởi số lượng người châu Á đang sinh sống tại Đức ngày càng tăng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Đức cũng ngày một cởi mở hơn trong việc sử dụng các sản phẩm châu Á cũng như Việt Nam, nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…) đã có FTA với EU, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác trong khu vực khi được hưởng ưu đãi thuế quan cũng như các lợi thế khác từ Hiệp định EVFTA.

Nghiên cứu kỹ các quy định

Mặc dù có nhiều lợi thế, song xuất khẩu hàng hóa sang Đức vẫn có những thách thức, đó là các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm và một chế tài xử phạt đối với vi phạm các quy định nhập khẩu rất nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Đức có yêu cầu rất cao về chất lượng, hình thức, thương hiệu, uy tín… của sản phẩm nhập khẩu. Những yêu cầu này thường cao hơn nhiều so với người tiêu dùng ở nhiều nước xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN, và thậm chí cả một số thành viên EU khác. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam còn chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất về chất lượng, thường hạn chế về hình thức, mẫu mã, chủng loại, và ít chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu…

Để có thể tiếp cận được thị trường Đức, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu chi tiết, cập nhật thường xuyên và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định và thủ tục nhập khẩu của EU và Đức; nghiên cứu kỹ thị trường Đức (đặc biệt là thị trường ngách), tìm hiểu chi tiết về thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này từ đó nghiên cứu cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.

Thực hiện EVFTA, EU/Đức đã xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (ngày 1/8/2020). Các mặt hàng có nhiều cơ hội tăng trưởng gồm: Giày dép, quần áo, thủy sản, các sản phẩm nhựa, hoa quả, các loại hạt và một số sản phẩm nông sản khác...
Theo : Tuệ Minh