Giá sầu riêng Musang King thu mua tại vườn hơn 400.000 đồng/kg

Sầu riêng Musang King vào vụ thu hoạch khoảng 10 ngày nay và được rao bán khá nhiều, giá cũng giảm nhiều so với 2 năm trước.

Khảo sát trên thị trường cho thấy giá sầu riêng bắt đầu nhích lên từ giữa tháng 3, dù mới vào đầu vụ thu hoạch. Dòng Musang King hiện được các thương lái thu mua với giá sỉ 380.000-430.000 đồng một kg, loại đặc biệt (2-3 kg một trái, 4-5 hộc cơm). Như vậy, mỗi trái nặng 3 kg có giá trên 1 triệu đồng.

Nếu như năm 2022, sầu riêng Musang King tươi nguyên trái có giá bán lẻ từ 500.000 – 800.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 400.000 – 500.000 đồng/kg. Ngoài loại tuyển chọn, sầu riêng Musang King loại 2, loại 3 chỉ có giá 150.000 – 180.000 đồng/kg, tương đương với sầu riêng Monthong.

Hơn 400.000 đồng 1 kg sầu riêng Musang King đầu mùa
 
Ads (0:00)
 
 
 
 
 
Sầu riêng Musang King hiện được các thương lái thu mua với giá sỉ 380.000-430.000 đồng một kg, loại đặc biệt

Với hàng loại 1, giá sỉ 280.000 đồng, lẻ 330.000 đồng một kg. Hàng loại 2-3 có giá sỉ 100.000-200.000 đồng, còn lẻ 250.000 đồng một kg. Riêng với hàng đã tách cơm được nhiều cơ sở bán với giá 800.000-900.000 đồng một kg.

Với ngưỡng giá này, sầu riêng Musang King thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ 2023. Nhưng so với đợt giá hồi tháng 10/2023 - thời điểm trái sầu rớt giá, mức này đang gấp đôi.

Đại diện HTX sầu riêng ở Tiền Giang cho biết hiện nay, diện tích sầu riêng Musang King bước vào thu hoạch tăng nên sản lượng nhiều hơn. Dù vậy, kỹ thuật canh tác loại sầu riêng này khó hơn giống Ri 6 và Monthong nên không phải vườn nào cũng mang lại hiệu quả.

Một thương lái mua sầu riêng ở miền Tây - cho hay giá Musang King trồng tại Việt Nam bắt đầu nhích tăng dù mới vào đầu vụ, do xuất khẩu tăng cao trong khi nguồn cung trong nước thấp. Đặc biệt đúng vụ tháng 3-4, Musang King miền Tây cho chất lượng cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bên cạnh nhu cầu cao, theo các hợp tác xã, diện tích trồng Musang King mùa này giảm so với cùng kỳ 2023. Nguyên nhân là nhiều nhà vườn sau khi trồng thử nghiệm đã chặt bỏ vì năng suất thấp, khí hậu không thuận lợi, thường bị sượng hoặc cháy múi.

Lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), nhìn nhận diện tích trồng sầu riêng Musang King hiện chưa nhiều. Đây là giống đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Tương lai khi ngành sầu riêng cung vượt cầu, những giống chất lượng cao, mùi vị thơm ngon sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn.

Musang King có nguồn gốc từ Malaysia, đã được người dân khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long trồng thử nghiệm và cho trái 4 năm nay. Tuy nhiên, loại này năng suất thấp hơn so với Ri6 và Monthong.

Sầu riêng chính vụ ở miền Tây sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 4 - 5. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt đỉnh điểm vào 2 giai đoạn; đợt 1 vào là tháng 5 - 6 với vụ thu hoạch rộ ở miền Tây và đợt 2 là tháng 9 - 10 với sầu riêng Tây Nguyên, chủ yếu ở Đắk Lắk. Dự kiến, đây cũng là những thời điểm quan trọng của sầu riêng Việt Nam trong năm nay.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 110.000ha trồng sầu riêng, cho sản lượng gần 850.000 tấn mỗi năm, tập trung nhiều nhất tại khu vực Tây Nguyên, sau đó đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt mức kỷ lục 1 triệu tấn, tăng 15,9% so với năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng 10 lần so với năm 2021.

Sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu tới 24 thị trường, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam. Dự báo, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ chính của loại trái cây này của Việt Nam.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đạt doanh thu sầu riêng 3,5 tỷ USD, tăng 55% so với năm ngoái, bằng cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Việc Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu sầu riêng đông lạnh theo đường chính ngạch có thể làm tăng đáng kể giá trị xuất khẩu của mặt hàng này, do giá trị của một container sầu riêng đông lạnh gửi sang Trung Quốc sẽ cao hơn nhiều lần so với xuất khẩu dạng quả tươi.

Bên cạnh đó, tiềm năng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam ra thị trường quốc tế vẫn còn rất lớn, đặc biệt là khi các nước khác chỉ thu hoạch sầu riêng theo mùa vụ còn Việt Nam có thể thu hoạch quanh năm, tạo nên lợi thế độc quyền cho sầu riêng nước ta.

Nguồn: congthuong.vn